Sỏi mật là sự kết tụ thành khối rắn chắc của các thành phần có trong dịch mật, sỏi có thể được hình thành ở nhiều vị trí khác nhau trong hệ thống dẫn mật như sỏi túi mật, sỏi ống mật chủ, đường dẫn mật trong gan (sỏi gan)…. Có hai loại sỏi chính là: sỏi cholesterol và sỏi sắc tố mật.
Các loại sỏi mật
Nguyên nhân khiến gây nên sỏi mật là do bệnh viêm túi mật mãn tính, ứ đọng mật và nhiễm trùng túi mật. Cùng là sỏi mật nhưng sẽ có nhiều vị trí khác nhau cũng như chất tạo thành sỏi mà chúng phân thành:
- Sỏi cholesterol: Được hình thành do cholesterol kết tinh trong dịch mật, khi nồng độ cholesterol trong mật cao, nồng độ muối mật thấp, sự ứ đọng của dịch mật và một số nguyên nhân khác gây nên. Nguyên nhân sỏi cholesterol hình thành như: do tuổi tác, ăn nhiều thức ăn có hàm lượng cholesterol cao, sử dụng nhiều chất béo động vật, do quá trình sinh đẻ nhiều (phụ nữ); đến các biến chứng từ một số bệnh tiêu hoá như bệnh Crohn, cắt đoạn hồi tràng, do dùng nhiều thực phẩm clofibrate, estrogen…. Sỏi cholesterol thường đơn độc, không cản tia X và có màu nhạt.
- Sỏi sắc tố mật (loại này ít gặp hơn): Được tạo thành chủ yếu là canxi bilirubinate, có màu sậm, thường hình thành đám sỏi, cản tia X nhiều. Chúng hình thành khi bilirubinate tăng, không liên hợp hoặc nhiễm vi trùng, nhiễm ký sinh trùng đường mật. Nguyên nhân: có thể do tuổi tác, ăn thiếu chất béo và protein, sự ứ đọng dịch mật, mật nhiễm trùng hoặc nhiễm ký sinh trùng, xơ gan, bệnh tán huyết, thiếu máu hồng cầu liền.
Triệu chứng của bệnh sỏi mật
Sỏi mật thường diễn ra một cách thầm lặng, hơn 80% các trường hợp sỏi không có triệu chứng cụ thể nào, đặc biệt là sỏi túi mật. Một số dấu hiệu mơ hồ khi bị sỏi mật như: chán ăn, sợ mùi dầu mỡ hoặc đắng miệng, buồn nôn, khô họng, đầy trướng, chậm tiêu sau mỗi bữa ăn. Vẫn có 20% còn lại xuất hiện một số triệu chứng khi bệnh đã xảy ra biến chứng, thông qua các dấu hiệu như:
- Đau bụng: thường thì các cơn đau do sỏi mật khởi phát sau khi bạn ăn bữa ăn chứa nhiều dầu mỡ hoặc vào ban đêm khiến người bệnh mất ngủ. Vị trí khởi đầu thường ở hạ sườn phải, sau đó lan ra bả vai phải và ra sau lưng. Cơn đau thường âm ỉ nhưng đôi lúc trở nên rất dữ dội, có khi kéo dài vài giờ hoặc vài ngày.
- Sốt: những cơn sốt thường xem theo khi bị sỏi mật do viêm đường mật, túi mật. Sốt có thể xảy ra trước hoặc sau khi bị cơn đau hành hạ kéo dài vài giờ, có khi vài tuần, hàng tháng.
- Vàng da: da vàng, mắt vàng xảy ra sau khi đau và sốt 1-2 ngày nguyên nhân sỏi gây tắc mật, kèm theo ngứa, nước tiểu vàng, phân bạc.
Chế độ ăn dành cho người bị sỏi mật
Đối với người bị sỏi mật thì nên hạn chế ăn mỡ vì sẽ gây ảnh hưởng đến chức năng gan, mật và dạ dày. Việc ăn nhiều mỡ khiến mật xuống ruột không đều, kích thích túi mật co bóp quá mạnh, một phần mật tham gia cùng cholesterol tạo sỏi.
Bệnh sỏi mật xảy ra ở nữ nhiều hơn nam giới, đồng thời xu hướng này tăng dần theo tuổi. Táo bón cũng là một trong những cơ hội cho vi trùng đường ruột phát triển, dẫn đến viêm tá tràng, túi mật và ống mật, đều này làm cho mật dễ lắng xuống tạo sỏi.
Theo nghiên cứu của Bệnh viện Việt Đức, ở Việt Nam có gần 42% bệnh nhân sỏi mật có béo phì.
- Giảm mỡ: hạn chế các thực phẩm cholesterol như nội tạng động vật, trứng….
- Tăng cường đạm để tăng tạo tế bào gan đã bị tổn thương, chống thoái hoá mỡ tế bào gan.
- Giàu vitamin C và nhóm B để tăng khả năng chuyển hóa chất mỡ và đường bột. Tăng cường ăn rau và hoa quả tươi.
- Giàu đường bột: những thức ăn này dễ tiêu, lại không ảnh hưởng đến mật. Ăn nhiều chất xơ giúp tiêu hoá tốt, giảm tình trạng táo bón.
- Hạn chế dùng: trà, cà phê, chocolate, cacao; thịt cá nhiều mỡ, dầu dừa, nội tạng động vật. Hạn chế ăn lòng đỏ trứng.
- Thực phẩm nên ăn: uống nước hoa quả tươi, ăn rau tươi, bánh kẹo ít trứng bơ, các loại thịt cá nạc như nạc thăn lợn, thịt bò, cá chép, cá quả, các loại đậu đỗ như đậu đen, đậu xanh, đậu tương. Ngoài ra, nên sử dụng thêm một số loại như: lá chanh, nghệ, có thể dùng được.